Quá trình hình thành và phát triển

Cơ quan Ban Dân tộc Quảng Nam

 

 

Hình ảnh cơ quan Ban Dân  tộc tỉnh Quảng Nam

 

           Cơ quan công tác dân tộc - với tổ chức tiền thân là Nha Dân tộc thiểu số (thành lập tại Nghị định số 359, ngày 9-9-1946 chiểu theo Sắc lệnh số 58,ngày 3-5-1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) với chức năng, nhiệm vụ "Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam".
          Ngay sau khi thành lập Nha Dân tộc thiểu số ở Trung ương, tháng 12/1946, theo chủ trương của Khu uỷ V, Uỷ ban Hành chính miền Nam Trung bộ và Tỉnh uỷ Quảng Nam, Uỷ ban Hành chính tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập Phòng Quốc dân thiểu số. Cũng như nhiệm vụ công tác của Nha Dân tộc thiểu số, Phòng Quốc dân thiểu số của tỉnh là cơ quan giúp cho tỉnh nghiên cứu, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số ở địa phương.

          Từ năm 1946 đến 1954, Phòng Quốc dân thiểu số tỉnh triển khai nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán thực hiện 3 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" để thâm nhập, bám dân, vận động, tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Bác Hồ đến với người dân; trực tiếp giải quyết thành công nhiều vụ mất đoàn kết giữa các dân tộc ở tỉnh cũng như với các dân tộc tỉnh láng giềng; tổ chức thành công Đại hội đoàn kết các dân tộc ở từng huyện tiến tới tổ chức thành công Đại hội đoàn kết các dân tộc toàn tỉnh. Bằng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc của Đảng, tổ chức các hình thức đại hội đoàn kết các dân tộc, vận động và trực tiếp giải quyết những va chạm, xích mích, hằn thù lẫn nhau giữa một số làng, xã của Phòng Quốc dân tộc thiểu số, nên đến trước năm 1954, cơ bản chấm dứt sự hằng thù, nghi kỵ dẫn đến chém giết lẫn nhau giữa các dân tộc; đưa các dân tộc xích lại gần nhau, thực hiện tình đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, trước 1954, Phòng Quốc dân thiểu số Quảng Nam còn cử đoàn cán bộ giúp bạn Lào xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền, phát động phong trào chống Pháp ở vùng Hạ Lào, hành lang biên giới Liên khu V - Hạ Lào. Đây là hoạt động quốc tế đầu tiên được tiến hành thành công của Phòng Quốc dân thiểu số Quảng Nam.

          Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/1954). Phòng Quốc dân thiểu số đổi tên thành Ban cán sự miền Tây Quảng Nam và đến năm 1969 đổi tên là Ban Cán sự Nam Trà ở tỉnh Quảng Nam và Ban Cán sự Lam Sơn ở tỉnh Quảng Đà. Từ đây, tuỳ theo nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, tuỳ theo diễn biến của âm mưu thủ đoạn và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, Ngụy quyền tay sai và thực tiễn cách mạng mà cơ quan công tác dân tộc tỉnh lúc ấy tên gọi là Ban cán sự có những chức năng, nhiệm vụ phù hợp, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ V và của Tỉnh uỷ. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ban cán sự trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ là vận động đồng bào các dân tộc thiểu số nuôi giấu, giúp đỡ hàng ngàn cán bộ từ vùng đồng bằng bị địch đánh bật, khủng bố, lùng bắt lên miền núi nhằm tiếp tục cũng cố tổ chức, móc nối cài cắm vào sâu vùng tạm chiếm và lập các mật cứ chỉ đạo. Tham mưu cho Khu uỷ, Tỉnh uỷ chỉ đạo và xây dựng và bảo mật an toàn tuyệt đối địa bàn căn cứ địa cách mạng của Khu uỷ V, của Tỉnh uỷ suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

          Từ 1954 - 1975, Ban cán sự miền Tây, Ban Cán sự Nam Trà ở Quảng Nam và Ban Cán sự Lam Sơn ở Quảng Đà luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh và của Khu uỷ V, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm vào vận động đồng bào tăng gia sản xuất, khai hoang làm ruộng, thực hiện định canh định cư bằng việc phát động và nhân rộng phong trào "tổ đoàn kết sản xuất", "tổ hợp tác tương trợ lao động", xây dựng đời sống văn hoá mới với việc xoá bỏ nạn tảo hôn, hạn chế và xoá bỏ nạn đẻ rừng, xoá bỏ tập tục cũ lạc hậu có hại đến sản xuất và đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bằng việc tổ chức đại hội đoàn kết các dân tộc, chăm lo đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số mà tiêu biểu nhất là tuyển chọn để đưa con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học, đào tạo ở miền Bắc để sau này trở thành đội ngũ cán bộ cốt cán huyện, xã trong thời kỳ hoà bình, xây dựng. Tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu, phiên âm chữ Cơ Tu, Cà Dong để phục vụ cho việc giảng dạy, làm báo chữ Cơ Tu, Ca dong. Tham mưu cho Tỉnh uỷ xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng huyện, xã, tổ chức các phong trào để đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến đến thắng lợi năm 1975.

          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng đã thành lập Ban miền núi Tỉnh uỷ và sau đó được đổi tên thành Ban Dân tộc Tỉnh uỷ, Ban Dân tộc Miền núi Quảng Nam, Ban có chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng.

          Đến năm 2004, Hệ thống cơ quan công tác dân tộc tại địa phương được tổ chức và thành lập theo quy định tại Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004 về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác dân tộc. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam có tên gọi như ngày nay. 

        Trải qua quá trình hình thành, phát triển và đổi tên như trên. Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống của cơ quan làm công tác dân tộc trước đây và có vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 17/11/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam. 

 

Tin liên quan