NGHỊ QUYẾT
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số
giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025
______
Trong những năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, công tác quốc phòng, an ninh tại các huyện miền núi được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả; trong đó, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực.
Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tăng cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực thực thi công vụ được nâng lên. Các khâu công tác cán bộ như quản lý, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng, luân chuyển và các chế độ chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 129-KL/TU ngày 10/11/2009 của Tỉnh ủy thực hiện chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị còn thấp. Tinh thần trách nhiệm, phong cách lề lối làm việc, phẩm chất đạo đức lối sống, tinh thần học tập và năng lực thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số nơi còn hạn chế, nhiều cơ quan, đơn vị chưa tuyển dụng và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số có hiệu quả.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về thực hiện công tác cán bộ người dân tộc thiểu số trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần quán triệt, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau:
I- Mục tiêu
1- Mục tiêu chung
Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc và năng lực thực thi công vụ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở các địa phương miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đạt chuẩn, đồng thời có tính liên tục, kế thừa và phát triển nhằm tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho tỉnh, các huyện miền núi trong những năm tiếp theo.
2- Mục tiêu cụ thể
2.1- Giai đoạn năm 2015 - 2020
2.1.1- Cấp xã, thị trấn thuộc 06 huyện miền núi (gọi chung là cấp xã)
- Cán bộ cấp xã (gồm 11 chức danh bầu cử):
+ 85% trở lên cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số; trong đó trình độ học vấn tốt nghiệp THPT: 100%; trình độ chuyên môn trung cấp trở lên: 100%; trình độ chuyên môn đại học 20% trở lên; trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 100%.
+ Các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc thiểu số gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên: 100%; đại học chuyên môn 20% trở lên; trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên 100%.
- Công chức cấp xã (07 chức danh chuyên môn):
+ 80% trở lên công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số, trong đó: trình độ học vấn tốt nghiệp THPT 100%; trình độ trung cấp chuyên môn 100%; đại học chuyên môn 20% trở lên; trình độ trung cấp lý luận chính trị 70% trở lên.
2.1.2- Cấp huyện (đối với 06 huyện miền núi)
- Ít nhất 45% tổng số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo từ phó phòng và tương đương trở lên ở cấp huyện; trong đó:
+ Cấp ủy huyện: cán bộ người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ ít nhất 50%; trong đó: trình độ đại học chuyên môn 80% trở lên; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 100%.
+ Ban Thường vụ huyện ủy: cán bộ người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ ít nhất 55%; trình độ đại học chuyên môn trở lên 100%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 100%.
+ Trưởng phòng và tương đương: trình độ đại học chuyên môn 100%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 100%.
+ Phó trưởng phòng và tương đương: trình độ đại học chuyên môn 100%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 60% trở lên.
+ Cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ sau đại học về chuyên môn ít nhất 08%.
2.1.3- Cấp tỉnh
- Cấp ủy tỉnh có ít nhất 11% cán bộ là người dân tộc thiểu số.
- Phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh từ phó giám đốc sở và tương đương trở lên.
- Một số sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phải có cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương.
- Một số sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và cơ quan thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn phải có cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
2.2- Định hướng đến năm 2025
2.2.1- Cấp xã (đối với các xã, thị trấn thuộc 06 huyện miền núi)
- 100% cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó: 40% có trình độ đại học trở lên; 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
- 100% cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND) là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên.
2.2.2- Cấp huyện (đối với 06 huyện miền núi): ít nhất 15% cán bộ, công chức cấp huyện là người dân tộc thiểu số có trình độ đào tạo sau đại học về chuyên môn.
2.2.3- Cấp tỉnh: Một số sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn có cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
II- Nhiệm vụ và giải pháp:
Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2011 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, các ngành về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng, quyết tâm nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo. Cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1- Công tác quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ ở các cấp, các ngành, địa phương; chú trọng quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Nguồn cán bộ quy hoạch bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đang học tập, đào tạo ở các trường nội trú, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, cán bộ nguồn theo Đề án 500 của UBND tỉnh; đặc biệt chú trọng cán bộ nữ, trẻ người dân tộc thiểu số; phấn đấu tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số được quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt các cấp nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước.
- Thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm phát hiện những nhân tố mới có triển vọng bổ sung vào quy hoạch cán bộ, đồng thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không có khả năng phát triển.
2- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số
- Căn cứ vào quy hoạch cán bộ, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ là người dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ các huyện miền núi phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh và Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức mở các lớp đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị tại các huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ miền núi học tập nâng cao trình độ các mặt; phấn đấu đến năm 2020, 06 huyện miền núi mở được 01 đến 02 lớp đào tạo trung cấp chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị.
- Ưu tiên về chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị hằng năm cho các huyện miền núi để cán bộ chuyên trách cấp xã đủ tiêu chuẩn và điều kiện được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, tạo nguồn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện.
- Thực hiện tốt công tác cử tuyển hằng năm gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các huyện trong việc tuyển chọn những học viên đi đào tạo những ngành nghề có nhu cầu sử dụng và có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí, sử dụng sau khi tốt nghiệp ra trường; quan tâm theo dõi, quản lý chất lượng học tập, trên cơ sở đó, lựa chọn số học sinh có triển vọng đưa đi đào tạo sau đại học, xem đây là nguồn cán bộ lâu dài cho miền núi.
- Thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã là người dân tộc thiểu số theo Đề án 500 của UBND tỉnh.
3- Công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số
- Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng mới hoặc sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số hiện có một cách hiệu quả, tạo môi trường làm việc tốt cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường công tác, tạo cơ hội cho cán bộ rèn luyện, thử thách để trưởng thành. Các cơ quan cấp tỉnh chưa tuyển dụng cán bộ dân tộc thiểu số hoặc tuyển dụng còn ít phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều động, luân chuyển; bố trí, sử dụng hợp lý và hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trên cơ sở quy định về chức danh từng loại cán bộ, công chức; tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Từ năm 2015 trở đi thực hiện nghiêm quy định tuyển dụng cán bộ, công chức xã, thị trấn phải có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông và trung cấp chuyên môn trở lên; tuyển dụng cán bộ, công chức cấp huyện phải có trình độ đại học chuyên môn trở lên; cho tăng thêm 01 cấp phó ở một số phòng, ban, ngành cấp huyện ngoài số lượng quy định để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng cán bộ được bổ nhiệm tăng thêm phải là người dân tộc thiểu số, trẻ, được đào tạo cơ bản và có chiều hướng phát triển tốt; trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với những cán bộ này thì các huyện phải báo cáo Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với cán bộ khối Đảng, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội), báo cáo Sở Nội vụ (đối với cán bộ ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện); UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng quỹ biên chế sự nghiệp dự phòng của tỉnh, bố trí cho 06 huyện miền núi và các sở, ban, ngành tỉnh để tiếp nhận, bố trí sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học chính quy (ưu tiên đối với sinh viên cử tuyển), cụ thể: mỗi huyện miền núi từ 05 - 10 biên chế sự nghiệp dự phòng; một số sở, ban, ngành tỉnh từ 01 – 02 biên chế sự nghiệp dự phòng nhằm đào tạo, bồi dưỡng sau 02 – 03 năm bố trí về công tác ở các huyện miền núi.
- Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trách nhiệm trong quản lý học sinh, sinh viên cử tuyển và có kế hoạch bố trí, sử dụng. Thực hiện tốt việc tuyển chọn, tiếp nhận và phân công công tác đối với học viên lớp Đề án 500 của UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ là người dân tộc thiểu số và thực hiện tốt công tác đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ.
4- Thực hiện chính sách đối với cán bộ DTTS
- Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện đối với cán bộ, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách thu hút đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về các xã miền núi. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho cán bộ là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ khuyến khích học sinh, sinh viên con em đồng bào dân tộc thiểu số đang học tại các trường trong và ngoài tỉnh.
- Tập trung đổi mới cơ chế chính sách phục vụ phát triển nguồn nhân lực; tỉnh có cơ chế phù hợp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số; có các biện pháp, chính sách hỗ trợ thỏa đáng để động viên và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của pháp luật, đảm bảo tính chủ động của từng cụm dân cư.
5- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở:
- Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
- Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đúng tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND và Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội ở các xã miền núi; mở rộng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ và cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở. Kịp thời phát hiện, uốn nắn, xử lý những vi phạm; đề ra các giải pháp khắc phục; nhằm tránh tình trạng cục bộ, thiếu khách quan, thiếu công tâm, dân chủ trong thực hiện công tác cán bộ.
- Tiếp tục đổi mới nội dung kết nghĩa của các xã miền núi với các cơ quan của tỉnh thiết thực, hiệu quả, đặc biệt chú ý đến nội dung giúp đỡ, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các xã miền núi.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết kịp thời rút kinh nghiệm và khắc phục khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện.
III- Tổ chức thực hiện:
1- Các ban đảng của Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt chế độ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ người dân tộc thiểu số.
2- Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện việc đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phường, thị trấn theo Đề án 500 của UBND tỉnh, trên cơ sở đó tiếp tục có kế hoạch đào tạo đủ 02 em là người dân tộc thiểu số để làm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các xã, thị trấn thuộc 06 huyện miền núi. Sau khi kết thúc Đề án 500, nếu xét thấy có nhu cầu thì tiếp tục mở lớp đào tạo riêng cho các huyện miền núi mỗi xã, thị trấn thêm 01 - 02 em.
3- Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo và thực hiện việc tăng cường cán bộ giúp các xã vùng biên giới, khó khăn. Ủy ban MTTQVN tỉnh, huyện định kỳ tổ chức thăm hỏi, động viên, tranh thủ uy tín, phát huy vai trò tích cực của già làng, trưởng bản tiêu biểu trong việc vận động nhân dân.
4- Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng Tỉnh uỷ, các ban đảng của Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
5- Các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh triển khai, quán triệt Nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên và tổ chức thực hiện đạt kết quả.