MÙA XUÂN LÊN TRƯỜNG SƠN NGHE CHUYỆN TRAI GÁI CƠ TU ĐI SIM

“Đi sim”, là một tập tục có từ lâu đời của tộc người Cơ tu trên vùng Trường Sơn. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, hay sau mùa thu hoạch nương rẫy là các chàng trai, cô gái Cơ tu ở miền núi Quảng Nam háo hức đi sim. Đây là nét văn hóa độc đáo của dân tộc, mà “đi sim” còn thể hiện khát vọng tự do yêu đương để được nên duyên vợ chồng.

Theo ông Bh’ling Hạnh (68 tuổi), dân tộc Cơ tu hiện đang sống tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết: Từ bao đời nay, người Cơ tu lấy vợ hoặc chồng hơi muộn. Đến tuổi trưởng thành, háo hức rủ nhau “đi sim”. Vào những đêm trăng sáng, hoặc vào các dịp lễ hội của làng. Trai Cơ tu mang theo cây đàn abel (người Cơtu gọi abel là cây đàn tình yêu) để cùng bạn gái vừa chơi đàn vừa hát giao duyên trong không gian rất riêng, trữ tình và lãng mạn hoặc có thể thoải mái ngồi, nằm tâm sự suốt đêm trên nhà Moong hoặc bờ suối, chòi trên nương rẫy trong rừng.... Song, không chàng trai nào vi phạm ngưỡng "bất khả xâm phạm" với người con gái mà mình đi sim. Việc đi sim này được đôi bên gia đình, dòng tộc ủng hộ. 

Theo nét văn hóa truyền thống của người Cơ tu, để chọn cho mình một bạn đời hợp ý thuận tình, để được cùng nhau sánh vai trên nương trên rẫy hoặc lúc xuống suối bắt ốc mò tôm cua hay cùng nhau lên rừng hái măng đón củi…bạn tình dễ tìm hơn nhưng bạn đời thì hơi khó, nhất là trai nghèo. Người Cơ tu coi con gái là quà quý trong gia đình, nhà nào sinh ra nhiều con gái là hạnh phúc lớn cho gia đình, dòng họ. Con trai nghèo, không có của thì rất khó lấy được vợ. Có người con trai phải đi "ở rể" hoặc phải hiến khoảnh rừng cho nhà gái... Trong tục đi sim, nhiều gia đình người nữ rất quý các chàng trai đến nhà, có khi mời "chàng" uống rượu, làm gà thết đãi trước khi đi sim với con gái mình và ngược lại nhà trai cũng vậy…nhưng chàng phải canh giờ lo mà về trước khi trời sáng. Nếu hai người phải lòng nhau, người con trai sẽ trao cho người con gái một chiếc vòng bạc hay một chuỗi cườm mã não thay cho lời yêu thương rồi về báo cho gia đình mang lễ vật đến nhà gái đặt vấn đề cưới hỏi. 

Già làng Bh'ling Hồng (80 tuổi), thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam), đầu bạc trắng song đôi mắt vẫn tinh tường. Ông trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về chuyện đi sim: Không nhớ rõ tục đi sim của người Cơ tu có từ bao giờ, chỉ nhớ rằng năm 19 tuổi ông đã bắt đầu đi sim. Đi sim theo cách nói của người Cơ tu đây là cách đi tìm người yêu của con trai Cơ tu chúng tôi từ bao đời nay. Chính người vợ năm nay 75 tuổi và sống bên ông hiện nay đã có tới 6 người con nhưng ngày trước nó không ưng đi sim, tao phải tặng một chuỗi cườm đẹp bằng mã não giá trị gần hai con trâu làm vật kỷ niệm nó vẫn không chịu…Cuối cùng tao đứng dưới sân nhà nó hát lý suốt một mùa trăng: "Em là người anh cậy, cha mẹ anh trông đến cưới/Thương em đến nỗi sầu lo/Nhớ em đến nỗi ốm mòn bỏ ăn/Ước gì gan ruột anh trở về em" nó mới chịu cho tôi hẹn hò.

Còn một số người già Cơ tu lớn tuổi, huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) cho biết thêm: Theo luật tục của người Cơ tu, khi đi sim luật lệ đầu tiên mà chàng thanh niên phải học là không được ép buộc con gái ưng mình, không được tranh người yêu và phải nhường cho người đến trước. Tuy nhiên, người Cơ tu phản đối trong suốt thời gian đi sim cấm việc chửa hoang. Nếu chửa hoang, thì bị luật tục Cơ tu xử lý nghiêm khắc. Hình phạt nhẹ nhất phải cúng bằng gà trống lông trắng và ché rượu cần. Thông thường làng phạt phải đủ heo trắng to, dê trắng, trâu trắng. Khi đến ngày sinh đẻ, người con gái đó phải vào tận rừng sâu hoặc ngoài bìa rừng để chăm sóc con mà gia đình, họ hàng không được giúp đỡ, đến khi 6 tháng mới được về nhà. Cái gì có thể mất đi nhưng tình yêu của con trai, con gái Cơ tu thì xanh mãi như rừng Trường Sơn và chảy mãi như dòng sông Bung, A Vương. Ấy là nét đẹp của tục đi sim xưa. Còn nay, trai gái đi sim trong các quán cà phê, quán nhậu, ưng cô gái nào thì chàng trai tìm cách tách đám đưa cô gái đi đâu đó để tiện tâm sự. Đi sim ngày xưa hay hơn bây giờ nhiều, một số người già Cơ tu lớn tuổi nghĩ ngợi mà buồn...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết thúc mùa "đi sim”, là những đám cưới truyền thống được tổ chức để xác lập mối quan hệ vợ chồng, gia đình. Cũng như những tập tục khác, đi sim là lối sinh hoạt lành mạnh, một trong ít nét văn hóa đặc sắc còn giữ được của trai, gái Cơ tu. Đối với người Cơtu, tục đi sim là một thông điệp gửi gắm những mối tình của những chàng trai và cô gái Cơ tu nên vợ nên chồng để hôm nay nó vẫn còn trường tồn mãi với thời gian của một cư dân sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn bao la và rộng lớn này. Điều đáng nói, người Cơ tu hôm nay không chỉ tiếp nhận những yếu tố văn hoá của cuộc sống văn minh, hiện đại mà tục đi sim mang đậm bản sắc của một cư dân miền núi sống qua ngàn đời mà vẫn tồn tại như nguyên vẹn. 

Những năm gần đây, do có sự giao lưu văn hoá, tiếp cận một số vùng xung quanh và sự thay đổi môi trường sống…mà tục đi sim của tộc người Cơ tu vùng núi Quảng Nam, không còn giữ nét riêng của nó. Tuy nhiên, hiện tục đi sim vẫn còn tồn tại nhiều ở một số làng vùng cao người Cơ tu, đó chính là kết quả của ý thức về cội nguồn của cộng đồng dân tộc Cơ tu. Đây có thể được xem là nét văn hoá làng độc đáo về hôn nhân của người Cơ tu sống trên vùng Trường Sơn từ bao đời nay.

Trai gái Cơ tu tìm hiểu nhau dưới mái nhà Moong. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Tin liên quan