TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Phát huy kết quả đạt được và tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả trong việc nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần xây dựng, chỉnh đón Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ. Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 là " Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".


Trong phạm vi của Bản tin, Ban Dân tộc xin khái quát những nội dung liên quan đến tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về " Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc " để cán bộ, đảng viên và người có uy tín trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nghiên cứu, tuyên truyền, vận dụng vào thực tiễn để vận động nhân dân đoàn kết, một lòng một dạ theo Đảng, Bác Hồ ra sức thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chúng ta đã biết, tư tưởng của Bác về đoàn kết được thể hiện nổi bật trong các tác phẩm " Đoàn kết làm ra sức mạnh"; " Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta"; " Đoàn kết là thắng lợi"; " Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công"; "…một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết"; " Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". 
Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam: Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Cố đoàn kết mới có thắng lợi, càng gặp kẻ thù lớn, càng khó khăn gian khổ bao nhiêu lại cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu. Là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù " Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi". Người nói " Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước, chỉ một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo nguyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại". Theo Bác, đoàn kết trong Đảng là tiền đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: " Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm: " Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ". Người đưa ra các nguyên tắc đại đoàn kết các dân tộc: thứ nhất, tin vào dân, dựa vào dân vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong lao động, học tập, sản xuất và chiến đấu, bởi vì: Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân; thứ hai, đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; thứ ba, trên cơ sở hiệp thương, dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình; thứ tư, đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người, trân trọng.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân về nội dung phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Thứ hai, phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ( Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Cựu chiến binh, Công đoàn) trong sạch, vững mạnh. Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng phải đoàn kết thống nhất từ tư tưởng đến hành động; có kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng. Mỗi đảng viên phải thật sự là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đối với Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh " Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng", Người căn dặn: " Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"; nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Học tư tưởng, đạo đức đoàn kết Hồ Chí Minh là " Gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta". Trước hết, cần trau dồi những phẩm chất đạo đức cần thiết cho đại đoàn kết toàn dân tộc. Song song với xây dựng đức tính tốt để đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải chống những cái xấu, những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết, đó là: thứ nhất, phải chống bệnh hẹp hòi " Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắt phải"; thứ hai, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: " Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước…do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm".
Về phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc:"…toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần có phong cách lãnh đạo kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân". Vậy đối với cán bộ, đảng viên, cần học tập và làm theo phong cách làm việc quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập hợp đoàn kết toàn dân. Chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, chăm lo đời sống của nhân dân. Tin vào dân, tôn trọng dân, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến dân phê bình và kịp thời sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót. Đối với đồng bào các dân tộc, Bác chỉ rõ: " Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em". Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ. Đồng bào tất cả các dân tộc đều cần có phong cách làm việc của người chủ nước nhà.
Năm 2020 là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước ta có nhiều cơ hội to lớn để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ cần phải giải quyết. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn bó với nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là những nhân tố hàng đầu bảo đảm chất lượng và thắng lợi của đại hội Đảng các cấp, trong đó vai trò nòng cốt và trách nhiệm lớn lao của cán bộ, đảng viên từ thôn, xã, nhất là lực lượng tiêu biểu của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương của mình

Tin liên quan