Tuyên truyền về thực hiện chính sách pháp luật kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh

Tham gia lao động sản xuất là một trong những chức năng cơ bản của quân đội ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ trong các thời kỳ cách mạng; đồng thời, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, Quân đội ta cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lao động sản xuất, gắn kinh tế với quốc phòng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 trao bò giống sinh sản tặng các hộ gia đình trên địa bàn xã La Êê và xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.(nguồn ảnh sưu tầm từ Cổng thông tin: www.qdnd.vn)

1. Quân đội thực hiện nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước

 

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động lao động sản xuất của Quân đội được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức ngày càng khoa học, hoạt động đúng định hướng, toàn diện và đạt hiệu quả thiết thực, vững chắc; có tác động sâu sắc tới nền kinh tế của đất nước, được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau: 

 

Thứ nhất: Quân đội tham gia lao động sản xuất góp phần quan trọng vào ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, hội nhập kinh tế quốc tế. 

 

Những năm qua, Quân đội đã sử dụng hợp lý tiềm năng của các đơn vị để lao động sản xuất, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước; nhiều doanh nghiệp quân đội sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, khai khoáng, ngân hàng..., đã đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường, các doanh nghiệp quân đội đang thể hiện vai trò quan trọng của mình đối với đất nước, vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, vừa đầu tư để tạo điều kiện phát triển các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa. 

 

Các doanh nghiệp quân đội luôn đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, bảo đảm an sinh xã hội; các Khu kinh tế quốc phòng góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, trong đó có hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.  

 

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, một số doanh nghiệp quân đội đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Trong quá trình đầu tư, các doanh nghiệp quân đội đã chú trọng gắn kết giữa hiệu quả kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững và nâng cao uy tín của cộng đồng doanh nghiệp quân đội, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, là cơ sở để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. 

 

Thứ hai: Quân đội là lực lượng đi tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở những nơi khó khăn, gian khổ.

Trong lao động sản xuất của Quân đội, yếu tố sản xuất là chính, yếu tố kinh doanh thấp hơn; hoạt động của các đơn vị quân đội hoàn toàn không vì mục đích kinh tế đơn thuần, mà vì những mục tiêu khác quan trọng hơn, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Khi tham gia lao động sản xuất, Quân đội đã gánh vác những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà các đối tượng, thành phần kinh tế khác không muốn làm hoặc không thể làm, thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó đảm đương. Những năm qua, với địa bàn đóng quân trải rộng khắp cả nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, các Đoàn Kinh tế - quốc phòng là lực lượng tại chỗ giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Nhiều dự án của Nhà nước được các đơn vị quân đội thực hiện trong điều kiện địa hình hiểm trở, địa chất phức tạp, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, xa dân, rủi ro cao, lợi nhuận thấp, như làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, xây dựng các công trình chiến đấu, phủ sóng thông tin vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., nhưng các đơn vị quân đội đã đảm nhiệm thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt. 

 

Những kết quả đạt được trên mặt trận lao động sản xuất những năm qua cho thấy Quân đội đã thực sự trở thành một nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng. 

 

Thứ ba: Quân đội tham gia lao động, sản xuất góp phần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, công nghệ lưỡng dụng cho đất nước. 

 

Hiện nay, với những trang thiết bị quân sự hiện đại, hầu hết Việt Nam phải nhập, mua về nên thường bị động. Bởi vậy, cần phải dần thay thế việc đi mua bằng việc tự trang bị. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao trong Quân đội sẽ giải quyết được điều ấy; đặc biệt là Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel) với việc nghiên cứu khoa học, phát triển các trang bị mới đã tạo ra được nhiều sản phẩm rất quan trọng. Đồng thời, những sản phẩm nghiên cứu, phát triển của Quân đội được đưa ra khu vực dân sự cũng sẽ thúc đẩy khoa học, công nghệ của đất nước phát triển, góp phần tăng nguồn lực xã hội để tái đầu tư trở lại cho Quân đội. 

 

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng để vừa sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng trên nền tảng kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ cao là xu hướng chung của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Quân đội ta có những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng, có chiến lược phát triển tốt trong các ngành: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển và logistics, đóng mới và sửa chữa tàu biển, xăng dầu, viễn thám, đo đạc, bản đồ, tư vấn thiết kế, xây dựng công trình, xây dựng cầu - hầm lớn, vận tải, khai thác khoáng sản, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hậu cần nghề cá... trên các địa bàn chiến lược. Chính việc thực hiện các đơn hàng dân sự cũng là cách để các doanh nghiệp quân đội tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới công nghệ, rèn luyện kỹ năng, tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản lý, đầu tư mở rộng sản xuất... để áp dụng trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 

 

Thứ tư: Quân đội tham gia lao động sản xuất giúp tránh lãng phí nguồn lực, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần dạy nghề và đào tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao cho đất nước.  

 

Hiện nay, nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng được trang bị máy móc, dây chuyền, công nghệ khá hiện đại, đáp ứng tương đối tốt cho nhu cầu phục vụ thời chiến. Tuy nhiên, sản xuất hàng quốc phòng thời bình chỉ đạt khoảng 20-30% công suất. Do đó, cần phải kết hợp sản xuất hàng dân dụng để tránh lãng phí nguồn lực, cơ sở vật chất, tay nghề; đồng thời, tạo nguồn thu để nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng. 

 

Ngoài ra, thông qua tăng gia sản xuất ngoài giờ ở các đơn vị khối thường trực; qua thực hiện các hoạt động dịch vụ có thu ở các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp có thu nên nhiều đơn vị đã bảo đảm được phần lớn chi thường xuyên, góp phần tăng cường các hoạt động sự nghiệp, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động các đơn vị. Riêng hoạt động tăng gia sản xuất đã tạo ra nguồn thu hàng nghìn tỉ đồng, đưa vào bữa ăn, trực tiếp cải thiện đời sống của bộ đội. 

 

Bên cạnh đó, hoạt động lao động sản xuất của Quân đội còn góp phần dạy nghề và đào tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao cho đất nước. Hệ thống 23 trường dạy nghề của Quân đội trải rộng trên toàn quốc đã tổ chức tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hàng vạn lượt quân nhân xuất ngũ và lao động địa phương. Các nhà trường quân đội thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đào tạo ra hàng vạn cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ có trình đội cao. Quân đội với vai trò là trường học lớn đã bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo ra lực lượng lao động có kỷ luật, sức khỏe và ý thức phục vụ tốt. Các chiến sĩ làm nghĩa vụ quân sự, khi ra quân là lực lượng lao động có chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các doanh nghiệp quân đội có tính kỷ luật cao, tự giác và hăng say lao động sản xuất. 

 

Trong thời gian tới, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Để làm được điều đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:  

 

Một là: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia lao động, sản xuất của Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. 

 

Tập trung tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Quân đội trong thực hiện chức năng tham gia lao động sản xuất; chủ trương, đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, Nhà nước và Quân đội, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng lao động sản xuất của Quân đội; ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với những kết quả mà Quân đội đã đạt được; các tấm gương điển hình tiên tiến của Quân đội trong lao động sản xuất... Làm cho các đơn vị quân đội nhận thấy chức năng, nhiệm vụ của mình không chỉ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, mà còn phải lao động sản xuất, góp phần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, đóng góp cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và phục vụ các hoạt động an sinh xã hội, chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội. Toàn quân và nhân dân cần nhận thức sâu sắc rằng, Quân đội tham gia lao động, sản xuất là sự tiếp nối truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “Tịnh vị nông, động vi binh” của dân tộc trong thời kỳ mới. Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà phải gắn kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực sự trở thành những hình mẫu về lao động, sản xuất; xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới. 

 

Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều biện pháp, với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đơn vị. Đặc biệt, phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chủ yếu, “chống” là quan trọng; kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch về chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất của Quân đội nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội với Nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội, cổ súy cho việc xây dựng quân đội theo kiểu nhà nghề của các nước phương Tây. Chỉ đạo tuyên truyền làm rõ các đơn vị quân đội, đặc biệt là các doanh nghiệp quân đội chỉ sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật, không có ngoại lệ, không để cho một số doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm những việc vi phạm pháp luật, không đúng với chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. 

 

Hai là: Xác định quan điểm chỉ đạo đúng đắn, phương thức tiến hành phù hợp đối với việc quân đội tham gia lao động, sản xuất. 

 

Về quan điểm chỉ đạo, cần xác định Quân đội phải đồng thời thực hiện tốt cả ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất. Trong đó, phải xác định chức năng đội quân chiến đấu là quan trọng nhất, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không được để việc lao động, sản xuất ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực chiến đấu của Quân đội. Các đơn vị quân đội, đặc biệt là các doanh nghiệp quân đội phải là lực lượng đi tiên phong trong gánh vác những nhiệm vụ khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở những vùng biên cương, hải đảo mà các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân khác không thể và không muốn làm. 

 

Trong quá trình lao động, sản xuất, các đơn vị quân đội phải tuân thủ nghiêm pháp luật của Nhà nước về kinh tế, chú trọng hiệu quả (trừ những trường hợp phải đặt hiệu quả về quốc phòng - an ninh, chính trị - xã hội lên trên hiệu quả về kinh tế). Trong hoạt động kinh tế đơn thuần, phải bảo đảm bình đẳng, minh bạch với các thành phần kinh tế khác; còn trong các hoạt động đặc thù, đề nghị Nhà nước dành cho những cơ chế thích hợp. Trong quá trình lao động sản xuất, phải coi trọng bảo vệ tài nguyên môi trường, thực hiện phát triển bền vững và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Thời bình là đơn vị lao động sản xuất, nhưng khi tình hình quốc phòng - an ninh có những diễn biến phức tạp, đất nước có thể phải ban bố tình trạng chiến tranh, lực lượng này sẽ chuyển thành các đơn vị chiến đấu. Nguồn lực quân đội lao động, sản xuất lúc này sẽ tập trung hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, bảo đảm mọi yêu cầu về khoa học - kỹ thuật cho quân sự. 

 

Ba là: Kết hợp chặt chẽ và phát huy tốt vai trò của các loại hình lao động sản xuất chủ yếu trong quân đội, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế. 

 

Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu Kinh tế - quốc phòng và Đoàn Kinh tế - quốc phòng theo quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các Khu Kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên xây dựng các Khu Kinh tế quốc phòng trên hướng biển, đảo. Tiến hành tổ chức lại mô hình sản xuất tại các Khu Kinh tế - quốc phòng. Xây dựng các Khu Kinh tế - quốc phòng thực sự trở thành những điểm sáng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, xung yếu, biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa; có vai trò quan trọng trong phòng thủ bảo vệ biên giới đất nước khi có tình huống. 

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Tích cực triển khai thực hiện “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 80/TTg-ĐMDN, ngày 04/10/2017). Thông qua đó, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giữ vững thương hiệu của doanh nghiệp quân đội, đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót của các doanh nghiệp quân đội trong thời gian qua, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hội nhập và phát triển. Tận dụng thành tựu của quá trình toàn cầu hóa kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp quân đội. Nghiên cứu, tổ chức ra một số tổ hợp công nghiệp quốc phòng trên cơ sở gắn kết các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng với cơ sở sản xuất, kết hợp công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng; trong đó, dành ưu tiên cao nhất cho ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kết quả nghiên cứu và chuyển giao (R&D) cho các sản phẩm quốc phòng trước, rồi sau đó là cho dân sự. 

 

Bốn là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với việc quân đội tham gia lao động sản xuất. 

 

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong tham gia lao động sản xuất của quân đội; tạo bước đột phá trong thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Xây dựng cơ chế kiểm soát, phát huy hiệu quả của việc quân đội tham gia lao động sản xuất phục vụ cho quân đội và đất nước. Khắc phục triệt để những mặt trái của việc quân đội tham gia lao động sản xuất như: vi phạm pháp luật, cạnh tranh không bình đẳng, gây thất thu cho ngân sách, lợi dụng danh nghĩa của quân đội để làm giàu cho bản thân, phân biệt đẳng cấp giàu - nghèo trong các đơn vị quân đội, lạm dụng xe biển đỏ, sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích... Kiên quyết chấn chỉnh, loại bỏ những hiện tượng làm kinh tế không đúng đắn. 

 

Để tạo cơ sở pháp lý và thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng cần tiếp tục có các nghiên cứu sâu hơn; ban hành Nghị quyết chuyên đề về kết hợp kinh tế với quốc phòng và các Nghị quyết chuyên đề đối với từng lĩnh vực cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chế độ, chính sách, cơ chế quản lý các hoạt động lao động sản xuất của quân đội; đặc biệt là các chế độ đối với người lao động, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Ngoài ra, cần có nhiều biện pháp để tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo ra nhận thức chung, đúng đắn về việc quân đội tham gia lao động sản xuất trong giai đoạn hiện nay; chống lại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch. 

 

2. Một số vấn đề trọng tâm trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp chiến lược quốc phòng Việt Nam 

 

Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng đã đẩy mạnh xây dựng Khu Kinh tế - quốc phòng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đoàn Kinh tế - quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, từ kết quả và kinh nghiệm đạt được, Quân đội tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu Kinh tế - quốc phòng, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Khu Kinh tế - quốc phòng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phù hợp với Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Luật Quốc phòng 2018. 

 

Các Khu Kinh tế - quốc phòng được nghiên cứu xây dựng từ năm 1998, sau khi có Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ xây dựng các vùng kinh tế mới, đỡ đầu, đón nhận khoảng 100.000 hộ dân đến lập nghiệp ở những vùng đất còn hoang hóa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, từ khi có Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 31/3/2000 và 43/2002/QĐ-TTg ngày 21/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể các Khu Kinh tế - quốc phòn

Tin liên quan