Phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, nhất là khôi phục, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, phục dựng các lễ hội, phát huy trang phục truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian... phù hợp với cơ chế thị trường được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

1. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Khái niệm văn hóa hiểu theo nghĩa chung nhất là hàm chỉ hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần (vật thể và phi vật thể) do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình lao động, tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Mục đích, động lực để con người sáng tạo ra văn hóa là nhằm phục vụ và thỏa mãn nhu cầu của cá nhân và cộng đồng. “Văn hóa trước hết là sản phẩm của hoạt động và trình độ phát triển kinh tế - xã  hội – lịch sử của một thời kỳ nhất định, nhưng nhìn chung nó có những giá trị cơ bản trường tồn”[1]. Văn hóa thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng và được xem là chuẩn mực, là thước đo tính nhân văn, nhân bản của con người và xã hội ở những thời điểm lịch sử nhất định. Ở một chiều cạnh khác, văn hóa phục vụ con người nhưng khi được con người thẩm thấu trong thực tiễn cuộc sống, thông qua các chức năng tổ chức, điều chỉnh và giáo dục xã hội của nó, chính các giá trị văn hóa lại tác động ngược trở lại đối với còn người, làm cho xã hội và con người không ngừng được điều chỉnh, vận động và phát triển theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Chính vì vậy mà văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời cũng là động lực, nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của bất kỳ một quốc gia, dân tộc hay địa phương nào.

Lễ hội văn hóa vùng cao Quảng Nam - Ảnh A Lăng Ngước , nguồn: sưu tầm

Khi bàn về vai trò của văn hóa đối với dân tộc ta, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”[2]. Đây là một trong những luận điểm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời là kim chỉ nam cho đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc sau này. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta nêu quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[3].

Theo đó, quan điểm của Đảng ta xác định nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa đồng thời cũng là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Một khi dân tộc, quốc gia thiếu đi nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, trong xây dựng và phát triển kinh tế phải hướng đến mục tiêu văn hóa, vì một xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Như vậy, văn hóa là sản phẩm kết tinh của hoạt động kinh tế nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong mục tiêu phát triển, những thành tố của văn hóa phải gắn kết chặt với đời sống và hoạt động xã hội, từ phương diện chính trị, kinh tế, thiết chế xã hội đến luật pháp, kỷ cương...; đưa văn hóa từ nền tảng tinh thần của xã hội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước nói chung, mỗi địa phương, vùng miền nói riêng.

2. Vai trò của giá trị văn hóa truyền thống đối với quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam là quốc gia đa tộc người, trong đó, 53 dân tộc thiểu số với tổng 14,5 triệu dân (chiếm 14,7% dân số cả nước) định cư ổn định thành cộng đồng trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới (giáp các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia). Năm 2021, trong vùng dân tộc thiểu số nước ta có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù; 1551 xã (khu vực III) và 2.027 thôn (ngoài xã khu vực III) thuộc diện đặc biệt khó khăn tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[4]. Do những đặc thù về điều kiện tự  nhiên, vị trí địa lý và lịch sử phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta có trình độ phát triển kinh tế - xã hội kém hơn các vùng khác; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 80% lực lượng lao động đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản còn ở mức rất thấp so với bình quân của cả nước. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang là “lõi nghèo”, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào chỉ bằng 30% mức bình quân cả nước và tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 63,35% tổng số hộ nghèo quốc gia; trong đó, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần tỷ lệ hộ nghèo ở thành thị (39,4% so với 11,0%). Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là hai khu vực có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo cao nhất nước ta (48,2%)[5]. Bên cạnh đó, các yếu tố chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số, tập quán sản xuất kinh tế còn lạc hậu; một số hủ tục, tập quán, mê tín dị đoan có xu hướng phát triển; nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đang bị mai một... cũng là những cản lực lớn đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái; có nghĩa sống còn đối với nền hòa bình của dân tộc và sự phát triển ổn định, bền vững của quốc gia. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số và kịp thời đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc phù hợp với những nội dung cơ bản là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Công tác dân tộc đã đề ra phương hướng phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất. Ngày 30/10/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 65/KL-TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, trong giai đoạn tới, Trung ương Đảng chỉ đạo phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đông bào các dân tộc thiểu số.

Phát triển bền vững là phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên sự sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và không làm tổn hại tới các thế hệ tương lai. Như vậy, nội hàm của khái niệm phát triển bền vững là sự phát triển trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, ngày 14/01/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, đề ra chính sách phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng việc đầu tư đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc. Trong đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, nhất là khôi phục phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, bảo tồn và phục dựng các lễ hội, trang phục truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc... phù hợp với cơ chế thị trường được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Để phát huy vai trò, lợi thế của bản sắc văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian đến, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg về ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030, giai đoạn I: 2021-2025. Trong đó, Chính phủ đề cao giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo tồn và phát triển các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đối với tỉnh Quảng Nam- địa phương có nhiều dân tộc thiểu số định cư sinh sống với tổng dân số 140,5 nghìn người (chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh)[6], trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, các giá trị tốt đẹp trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Gắn chặt và phát huy ưu thế của văn hóa trong phát triển du lịch; đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ sau”[7]. Chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định rõ vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng: “Xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Quảng Nam hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc gắn với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần tích cực xây dựng Quảng Nam phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”[8].

3. Những vấn đề đặt trong phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay

Cùng với sự hội nhập, phát triển của đất nước, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều bước tiến quan trọng cả về chất và lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình phát triển đã phát sinh nhiều vấn đề mẫu thuẫn cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển văn hóa đồng bộ, tương xứng với kinh tế để tạo ra phát triển bền vững. Những mâu thuẫn phát sinh đó được biểu hiện trong một số khía cạnh như: mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên; mô hình tăng trưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động dồi dào; sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp cư dân vùng dân tộc thiểu số; nạn ô nhiễm môi trường sinh thái; các tệ nạn xã hội, xung đột xã hội gia tăng; sự suy giảm về đạo đức, lối sống; sự xung đột về giá trị, chuẩn mực cá nhân và cộng đồng ngày càng phổ biến... trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để từng bước giải quyết những vấn đề nêu trên trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi gợi ý cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Thứ nhất, nâng cao nhận thức tư tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thông qua việc không ngừng học tập, nghiên cứu và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa; đồng thời tập trung giải pháp phát triển nguồn lực con người nhằm phục vụ phát triển văn hóa. Bởi vì, phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người - nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ hội nhập và phát triển.

- Thứ hai, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo quan điểm bảo tồn và phát triển văn hóa; thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa phục vụ phát triển các loại hình ngành nghề kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện, thực tiễn của từng dân tộc, từng lĩnh vực, từng địa phương. Tập trung đấu tranh phòng, chống và loại bỏ văn hóa độc hại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về văn hóa nhằm đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong quá trình phát triển; đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa văn hóa với kinh tế để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thứ ba, tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, như: đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa nghệ thuật dân tộc thiểu số, xây dựng các thiết chế văn hóa cộng đồng, tu bổ nhà sinh hoạt cộng đồng, phục dựng các làng nghề truyền thống đặc sắc, bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, ngôn ngữ gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái – văn hóa; tăng cường phối hợp liên ngành văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò trung tâm của cộng đồng – chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các thành tựu văn hóa – kinh tế, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Ghi chú:

[1] Hồ Bá Thâm (2007), Sự phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với phát triển kinh tế tạo ra phát triển bền vững, NXB Phương Đông, TP HCM, tr.47

[2] Lê Quang Trang – Nguyễn Trọng Hoàng (1999), Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, TP HCM, tr.171.

[3] Lê Quang Trang – Nguyễn Trọng Hoàng (1999), Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, TP HCM, tr.533.

[4] Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam có 04 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn sống ổn định thành cộng đồng trên các địa bàn xã; toàn tỉnh có 58 xã khu vực III, 19 thôn đặc biệt khó khăn.

[5] Số liệu: Ủy Ban dân tộc – Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (2020), Báo cáo rà soát 5 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2015-2020, Hà Nội, tr 11.

[6] Số liệu: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Quảng Nam (2020), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Quảng Nam, tr.44, 137.

[7] Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.8, Quảng Nam.

[8] UBND tỉnh Quảng Nam, Quyết định số 2852/QĐ-UBND ban hành Chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tr.02, Quảng Nam.

(Trích báo cáo tham luận: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay - Tác giả: Đặng Tấn Giản, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My - Công tác bảo tồn và phát triển, Quảng Nam, tháng 12 năm 2021)

Tin liên quan