Cách đây 550 năm (năm 1471), vua Lê Thánh Tông ban hành chiếu thành lập đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt với tên gọi Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo, gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Trải qua bao biến thiên của lịch sử với nhiều đổi thay về địa giới hành chính, sáp nhập và chia tách nhưng Danh xưng Quảng Nam với ý nghĩa “Mở rộng về phương Nam” hàm chứa một ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc, thể hiện một tư duy phát triển, một tầm nhìn chiến lược và mong ước của vị Hoàng đế Lê Thánh Tông trong việc gửi gắm về vùng đất trọng yếu ở phía Nam của Tổ quốc.

PGS.TS Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Lịch sử 550 năm hình thành và phát triển của Quảng Nam được phản ánh qua quá trình lịch sử và phát triển kinh tế - xã hội, hình thành và xây dựng cộng cộng đồng dân tộc gắn kết keo sơn. Việc nhận diện đúng tầm vóc lịch sử, giá trị các di sản, nguồn lực, bản sắc văn hóa cộng đồng nói chung, văn hóa tộc người nói riêng là việc làm có ý nghĩa quan trọng, vừa thể hiện lòng tri ân đối với các thế hệ tiền nhân đi trước, đồng thời nhằm đánh giá đúng thế mạnh, cơ hội, vị trí và vai trò của vùng đất này trong chặn đường phát triển mới của quê hương, đất nước ta.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo quan trọng này, có 70 tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn đặc biệt của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ mọi miền của đất nước được phản biện khoa học và chọn đăng Kỷ yếu Hội thảo. Trong số đó, nội dung về Dân tộc có 06 tham luận chuyên sâu của các học giả là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ và nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn và cơ quan quản lý trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Bằng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, các tham luận đã phản ánh và đánh giá toàn diện diện mạo cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, những đóng góp của cộng đồng này trong việc làm giàu thêm nét đẹp đa dạng văn hóa, đóng góp vào tiến trình lịch sử đấu tranh và dựng nước của tỉnh nhà cũng như của cả dân tộc Việt Nam.
Trong đó, tham luận Vai trò, vị trí của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tiến trình lịch sử tỉnh Quảng Nam của nhóm tác giả ThS Nguyễn Thanh Dương (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam), PGS. TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học Việt Nam) đi sâu phân tích vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với sự hình thành, phát triển vùng đất Quảng Nam trong các thế kỷ XV-XVIII và làm rõ những đóng góp quan trọng của công đồng các dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp cách mạng trên vùng đất Quảng Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Khoa học Huế) tham luận với chủ đề Tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển bền vững xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà (Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam) nghiên cứu, đề xuất nhiều phương hướng, giải pháp nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người Cơ tu qua tham luận Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống người Cơ tu tỉnh Quảng Nam hiện nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước (Tôn Thất Hướng – Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Nam, nguyên Trưởng phòng Quản lý Văn hóa – Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam) tham luận với chủ đề Văn hóa cồng chiêng – Linh hồn của văn hóa Làng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam; Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh (Hội Di sản Văn hóa thành phố Đà Nẵng) bàn luận về di sản văn hóa làng truyền thống qua tham luận Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam trong tái định cư và xây dựng nông thôn mới; trong khi đó bàn về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường Đại học Khoa học Huế) tham luận chủ đề nghiên cứu Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam: Thực trạng và giải pháp.
