Đến thôn 1, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, hỏi đến già làng Hồ Văn Ly, bà con Giẻ Triêng nơi đây kể về ông với một niềm yêu mến và cảm phục. Với uy tín của mình, hơn 20 năm qua già làng Hồ Văn Ly đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tạo khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định an ninh trật tự ở cơ sở.
Trong một chuyến công tác tại Phước Sơn vào đầu tháng 9 năm 2021, theo chân các anh chị nhà báo, tôi đã được gặp bác Hồ Văn Ly, già làng uy tín của thôn 1, xã Phước Mỹ. Dù dáng đi có phần chậm chạp vì tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng có lẽ tôi cảm nhận được đối với già Ly, sự nhiệt tình và tràn đầy nhiệt huyết vẫn luôn thường trực con người ông. Chính vì lẽ đó, không những được mọi người nhắc đến mỗi khi có việc cần, hay những lúc gặp khó khăn, mà ông còn được người dân tôn vinh, yêu mến và hay gọi ông bằng một tên rất thân thương: “già làng Công Ta Năng” .
Một chuyến đến thăm gia đình già làng Hồ Văn Ly
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của gia đình và đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp già Ly. Tôi rất ấn tượng bởi giọng nói sang sảng, đầy sức thuyết phục, xứng với tên gọi “người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Nước da ngâm đen, dáng người nho nhỏ nhưng chắc, khỏe cùng với giọng nói sang sảng của núi rừng đại ngàn. Nhấp ngụm trà, già kể: Hơn 20 năm được người dân thương yêu và tín nhiệm, ông tranh thủ phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận, đoàn thể để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong thôn. Ông cũng là người đi đầu giải quyết các vụ việc xích mích, mâu thuẫn; vận động người dân xây dựng khối đoàn kết, giúp đỡ nhau thoát nghèo, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.
Nói đến đây, già mỉm cười hạnh phúc khi nhắc đến không khí gia đình anh chị Hồ Văn Nhon - Hồ Thị Ray thời gian gần đây luôn đầy ắp tiếng cười, bởi những xích mích gia đình đã được hóa giải. Theo già Ly, trước đây, anh Nhon hay uống rượu, những trận đòn mà mỗi lần say xỉn anh trút lên người vợ, khiến gia đình lục đục, bỏ bê chuyện nương rẫy làm cuộc sống gia đình vốn khó lại càng khổ hơn. Mặc dù, các tổ chức đoàn thể đến tuyên truyền, can thiệp nhưng cũng không thể thay đổi được. Cho đến khi già Ly kiên trì, hàng ngày dành một ít thời gian tâm sự, tận tình khuyên giải thì anh Nhon đã chịu nghe, hiểu ra và quyết tâm từ bỏ rượu chè. Thế là, thay vào những trận đón vô cớ là nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng và chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.
Chị Hồ Thị Hồng Hảo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết: “Ở thôn 1, những mâu thuẫn, xích mích giữa các hộ dân hay mâu thuẫn trong gia đình như trường hợp vợ chồng chị Ray, hầu hết được già Ly kịp thời hòa giải, qua đó gắn kết tình làng nghĩa xóm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Gần đây nhất, ông đã kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra trận hỗn chiến giữa nhóm thanh niên thôn 1 với thanh niên thôn Pêng Siel, xã Đắk Pék, huyện Đăk Lây của tỉnh Kon Tum.” Và để làm được điều đó, già Ly luôn phải sống gương mẫu, lắng nghe và gần gũi với bà con. Khi người dân trong thôn có việc gì cần hỗ trợ, tôi đều tới nhà để giải quyết mọi khó khăn. Qua đó, tuyên truyền cho người mọi dân hiểu biết, chăm lo làm ăn, cho con em học hành.
Để tạo được niềm tin và tiếng nói trong đồng bào dân tộc thiểu số, già cho biết mình phải luôn cố gắng, chịu khó, kiên trì đến tận nhà, gặp từng người để khuyên giải, thuyết phục. Trước đây, khi sức khỏe còn mạnh, gia đình già cũng là một trong những gương điển hình sản xuất giỏi của thôn, xã. Với hơn 2ha sắn, 7ha keo lá tràm, chăn nuôi đàn bò gần chục con, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Trên chính nương rẫy của gia đình mình, ông be bờ, dẫn nước, chuyển từ giống lúa khô sang cấy lúa nước. Ông đã vui sướng biết dường nào khi những vụ lúa nước đầu tiên cho thu hoạch năng suất cao hơn hẳn giống lúa cũ, lại trồng được một năm hai vụ. Người dân (thôn Công ta Năng ngày xưa) từ đó đã nhất nhất nghe theo lời ông, chẳng mấy chốc diện tích cây lúa nước đã phủ xanh một vùng đất đồi núi rộng lớn. Ông còn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng với địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới; tích cực vận động bà con đóng góp ngày công, giữ gìn vệ sinh môi trường và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, sức khỏe giảm sút, việc đi lại khó khăn nên già cũng không thể làm nương rẫy được nhiều. “Tôi chỉ hi vọng bà con chịu khó làm ăn để cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần trong thời gian đến”, già chia sẻ.
Thôn 1 xã Phước Mỹ hiện có 203 hộ với 774 nhân khẩu, là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Nhờ già làng Hồ Văn Ly làm tốt công tác tuyên truyền, hòa giải nên những năm qua, trong thôn không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, an ninh trật tự luôn được đảm bảo, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Khi được hỏi: Già sẽ tiếp tục công tác chứ? Già làng Hồ Văn Ly nở nụ cười rất tươi: “Trông thế thôi, chứ mắt tôi đã kém, tai hơi bị điếc rồi. Tôi muốn để anh em trẻ hơn, nhanh nhẹn hơn họ làm.” Nhưng tôi lại tin rằng bà con nơi đây sẽ luôn tin tưởng, rất muốn ông tiếp tục phát huy uy tín của mình để giữ vững tinh thần đoàn kết, để quê hương ngày càng phát triển xây dựng đời sống văn hóa, tạo khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định an ninh trật tự.