Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và đời sống của người dân chịu tác động của điều kiện thời tiết nắng nóng kèo dài, xuất hiện mưa giống kèm lốc xoáy xảy ra ở một số địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (huyện Đông Giang có 03 vụ cháy nhà tại Tà Lu, Za Hung, Mà Cooih; huyện Phước Sơn có 01 ngôi nhà bị tốc mái tại xã Phước Hiệp; huyện Nam Giang có 04 ngôi nhà tốc mái tại xã La Dêê,…). Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã chăm lo, hỗ trợ kịp thời cơ bản đã khắc phục được những khó khăn, hạn chế do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng đã kịp thời giải quyết đầy đủ chế độ cho đối tượng chính sách xã hội, người có công nên không xảy ra tình trạng thiếu đói lương thực địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Quang cảnh cuộc họp
Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách miền núi, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, 09 huyện miền núi được phân bổ 55,250 tỷ đồng để thực hiện chi trả kịp thời các chính sách cho hộ thoát nghèo bền vững từ năm 2017 – 2021 theo Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND (trong đó, có 883 hộ thoát nghèo và 127 hộ thoát cận nghèo bền vững được công nhận năm 2021); dự kiến bố trí, sắp xếp chỗ ở cho 100 hộ, chỉnh trang tại chỗ 05 hộ theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021,…
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: mặc dù đã khắc phục cơ bản thiệt hại do thiên tai, tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã được kiểm soát nhưng đời sống người dân trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022 – 2025 tại 06 huyện nghèo vùng cao của tỉnh (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) lên đến 50,8%; công tác giải phóng mặt bằng ở miền núi chưa đạt tiến độ đề ra, tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư còn thấp,…
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận Đề án quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì soạn thảo; các nội dung đại biểu quan tâm như: cơ sở phân bổ vốn đầu tư, tỷ lệ % phân bổ vốn sự nghiệp cho các đơn vị liên quan; việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả,…. Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đinh Văn Hươm ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung của Ban Dân tộc tỉnh, đồng thời đề nghị Ban Dân tộc tỉnh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu, hoàn chỉnh đề án trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến./.