Quảng Nam có 14 xã thuộc 02 huyện Nam Giang và Tây Giang có đường biên giới 157,364 km giáp với tỉnh Sê Kông của Lào. Khu vực biên giới đất liền của tỉnh Quảng Nam chủ yếu là địa bàn định cư của đông đảo đồng bào các DTTS từ bao đời. Do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt nên đời sống của Nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều làng của đồng bào dân tộc thiểu số nằm cách xa trung tâm xã, thường bị chia cắt khi mưa lũ về; nhu cầu thăm khám, chữa bệnh khi ốm đau của bà con chưa được đáp ứng kịp thời do hệ thống y tế cơ sở chưa thể phủ kín được. Mặc dù đời sống nhân dân vùng biên giới đã từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Người dân xã biên giới BhaLêê (Tây Giang) được thăm khám và cấp thuốc miễn phíGiai đoạn 2016 - 2020, chính sách hỗ trợ BHYT đối với người DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Người DTTS được khám và điều trị theo chế độ BHYT được thực hiện thường xuyên; thông tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh đã tạo điều kiện cho người bệnh được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh theo ý muốn và phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Ngân sách nhà nước cũng ưu tiên cho chính sách BHYT người DTTS, trong 5 năm (2016 - 2020) đã hỗ trợ 232.818.000.000 đồng, trong đó ngân sách Trung ương 52.121.000.000 đồng, ngân sách tỉnh 180.697.000.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực, thì một số khu vực có đồng bào DTTS không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế như trước đây. Theo đó, tỉnh Quảng Nam có 38 xã với khoảng 22.380 người DTTS ảnh hưởng chính sách hỗ trợ BHYT từ NSNN. Đồng bào các DTTS vùng miền núi, đặc biệt là ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, do công tác phân định xã 3 khu vực, không được hỗ trợ chính sách BHYT từ NSNN và bản thân người DTTS không có điều kiện tham gia BHYT tự nguyện. Vì vậy, khi bị ốm đau rơi vào tình cảnh khó khăn, không có kinh phí để khám, chữa bệnh nên đã tác động rất lớn đến sức khỏe, thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh nói chung, đặc biệt khi thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh thì tâm lý lo sợ mất chính sách của nhà nước hỗ trợ, trong đó có chính sách BHYT gặp rất khó khăn khi vận động người dân thoát nghèo và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế cùng các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Đặc biệt Nghị quyết số 04/2022/NQ- HĐND ngày 12/1/2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025, đã kịp thời hỗ trợ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng quy định tại Điều 4 Nghị định số 146 của Chính phủ; Trong đó ngân sách tỉnh cấp bù đảm bảo hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Như vậy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 hơn 48,8 tỷ đồng. Đến nay đồng bào DTTS tại các xã biên giới được cấp hơn 245.178 thẻ BHYT, đạt hơn 95%. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 đã được ban hành kịp thời, thể hiện sự quan tâm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ y tế đã góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Quảng Nam có sức khỏe, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Đến năm 2022, toàn bộ 14/14 xã biên giới của tỉnh có trạm y tế và có bác sĩ phục vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của Nhân dân địa phương, thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình, trẻ em và đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm dịch qua biên giới, đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid-19, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, yên tâm hơn khi được chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hằng năm, ngành y tế tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã về kỹ năng thực hiện công tác y tế dự phòng, dân số; đào tạo, cập nhật chuyên môn cho y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; triển khai thường xuyên các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nên không xảy ra dịch bệnh sốt rét, lao trên địa bàn; tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, truyền thông cho người dân ở 14 xã biên giới, nhất là tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm. Giai đoạn 2017-2022, tổ chức khám sàng lọc bệnh tiểu đường cho 2.224 người, phát hiện 77 người mắc bệnh tiểu đường (3,46%), 285 người mắc tiền tiểu đường (12,81%); khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho 3.315 người, phát hiện 828 người mắc bệnh tăng huyết áp (24,98%); khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho 1.299 phụ nữ; khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn tâm thần tại 14 xã biên giới với 139 bệnh nhân; triển khai thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật sau đào tạo của tuyến trên trong các chương trình y tế - dân số và các chương trình, dự án khác, tập trung cho 14 xã biên giới.
Có thể khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là một trong thời gian qua là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu nhằm thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực. Sự quan tâm chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu thuộc vùng biên giới góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 – 2025.