1. Ra đời trong lòng tổ chức Đảng
Tháng 6/1946, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Quyết định thành lập Phòng Quốc dân thiểu số (tiền thân của cơ quan Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam ngày nay) do đồng chí Trần Học Giới làm Trưởng phòng với nhiệm vụ trọng đại là nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh mọi vấn đề liên quan đến công tác dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và chiến lược xây dựng miền Tây Quảng Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện niềm tin lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân vào vai trò của công tác dân tộc nói chung, cơ quan công tác dân tộc tỉnh nhà nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh. Đến nay, ngành công tác dân tộc tỉnh đã 77 năm truyền thống xây dựng và trưởng thành (1946-2023).
Trong suốt chặng đường lịch sử đó, mặc dầu có nhiều lần chia tách, sáp nhập, với nhiều tên gọi khác nhau (Phòng Quốc dân thiểu số (6/1946), Phòng Liên lạc quốc dân thiểu số (12/1946), Ban Cán sự miền Tây tỉnh (10/1953), Ban Cán sự Đảng khu Nam Trà và Ban Cán sự Đảng khu Lam Sơn (3/1970-3/1975), Ban Miền núi Tỉnh ủy (3/1975), Ban Xây dựng Miền núi (12/1985-01/1997), Ban Dân tộc và Miền núi (01/1997-7/2004), Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam (8/2004 - nay)) nhưng sứ mệnh của cơ quan công tác dân tộc tỉnh nhà luôn gắn chặt với các nhiệm vụ chính trị, luôn đồng hành với quê hương, đất nước, với vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ quan công tác dân tộc và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ làm công tác dân tộc tỉnh Quảng Nam luôn kiên định lập trường chính trị, kiên cường, bất khuất, sát cánh cùng Nhân dân đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, hi sinh nhiều xương máu để Tổ quốc được độc lập, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc; góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đồng chí Trần Học Giới – Trưởng Phòng Quốc dân thiểu số, tháng 6/1946 (Ảnh: tư liệu)
2. Trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Phòng Quốc dân thiểu số đã tập trung chỉ đạo và thực hiện sứ mệnh chính trị của mình; tích cực tuyên truyền đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh; vận động đồng bào theo Đảng, theo Bác Hồ; tích cực tham gia phong trào đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do, bảo vệ chính quyền còn non trẻ của đất nước; ngăn chặn và đập tan âm mưu của kẻ thù hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa đồng bào Kinh –Thượng. Nhờ đó, cơ quan công tác dân tộc đã góp phần rất quan trọng trong công tác xây dựng chính quyền cách mạng ở thôn, xã trên địa bàn vùng cao; mở rộng Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đi đến thành lập các châu như Bến Hiên, Bến Giằng, Trà My, Phước Sơn.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị cao cả của mình, các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc đầu tiên đã không ngại khó khăn gian khổ, vượt qua mọi gian truân, thử thách, bám sát Nhân dân, len lõi đến tận những làng, nóc xa nhất; cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của đồng bào, qua đó tuyên truyền, vận động đồng bào giác ngộ cách mạng, xoá bỏ hiềm khích, xoá bỏ các tập tục lạc hậu, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và giành những tình cảm tốt đẹp nhất cho cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tích cực chung tay cùng Mặt trận Việt Minh và cán bộ làm cách mạng bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ cơ quan công tác dân tộc học tập nghị quyết trong thời kỳ kháng chiến (Ảnh: tư liệu)
Đến cuối năm 1948, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Phòng Liên lạc Quốc dân thiểu số chỉ đạo cán bộ xúc tiến việc thành lập Uỷ ban Kháng chiến – Hành chính các huyện Bến Hiên, Bến Giằng, Trà My, Phước Sơn; góp phần củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, mở rộng hành lang kháng chiến, xây dựng hậu phương vững chắc, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tại các huyện vùng cao. Đồng thời, cơ quan công tác dân tộc đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kháng chiến – Hành chính tổ chức 2 khu kinh tế Kinh – Thượng tại Phương Đông – Dương Yên (Trà My) và Bến Giằng nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, cung cấp nhu yếu phẩm cho đồng bào và phục vụ yêu cầu của công cuộc kháng chiến; xây dựng vùng miền núi tỉnh thành căn cứ địa vững chắc của phong trào đấu tranh cách mạng, góp phần to lớn đưa đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1954. Từ những kết quả thực hiện được, ngay từ giai đoạn đầu hình thành và phát triển, cơ quan công tác dân tộc của tỉnh nhà đã được Uỷ ban Kháng chiến – Hành chính nhận xét “đã nhìn thấy rõ nhiệm vụ trọng đại của mình, chủ động đề ra những chính sách cụ thể phù hợp với từng giai đoạn trong công tác vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc miền núi” (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Kỷ yếu 70 năm cơ quan công tác dân tộc tỉnh Quảng Nam (1946-2016), Tr 16).
Trong giai đoạn 1955-1973, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ngày càng khốc liệt thì vai trò trọng yếu của cơ quan công tác dân tộc càng được khẳng định. Nhằm đối phó với các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nhất là chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm, để xây dựng thế trận an toàn ở vùng miền núi, Ban Cán sự Miền Tây đã chủ trương “quần chúng hoá” cán bộ Kinh; thực hiện “3 cùng” với đồng bào các dân tộc, cùng đóng khố, xâu tai, cà răng, choàng mền, mang gùi… nhằm vừa hoà mình vào quần chúng và vừa che tai mắt của địch. Nhờ đó, phong trào đấu tranh cách mạng không những không bị suy giảm mà còn phát triển mạnh mẽ; vừa xây dựng, phát triển cơ sở trong quần chúng vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế và nuôi dấu cán bộ. Đến giữa năm 1956, Ban Cán sự miền Tây đã đón và nuôi dấu 1.046 cán bộ cách mạng người Kinh tại các làng, nóc trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào; càng làm cho đồng bào tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong phong trào đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.
Sau năm 1960, phong trào đấu tranh cách mạng bước sang giai đoạn mới, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng để giành lấy quyền làm chủ. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh chính trị và sách lược cách mạng đúng đắn, phong trào đấu tranh của Nhân dân vùng miền núi tỉnh nổ ra ở khắp nơi. Ban Cán sự miền Tây, Ban Cán sự Đảng uỷ Nam Trà, Ban Cán sự Đảng uỷ khu Lam Sơn đã lãnh đạo Nhân dân, lực lượng vũ trang các huyện miền núi vùng lên đấu tranh, tổ chức nhiều trận đánh lớn và giành thắng lợi vẻ vang; kết hợp với các lực lượng đấu tranh ở miền xuôi giải phóng nhiều vùng trên địa bàn trước đây do địch chiếm đóng, đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ; góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
3. Góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng quê hương Quảng Nam giàu đẹp
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh (Ban Miền núi Tỉnh ủy) bắt tay ngay vào công tác kiến thiết, xây dựng vùng miền núi của tỉnh; vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tập trung ổn định sản xuất, chăm lo đời sống Nhân dân, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào bài trừ các tập quán lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới, góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được. Đến nay, mặc dầu qua muôn vàng khó khăn nhưng dưới sự quan tâm chỉ đạo của cơ quan công tác dân tộc trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cơ quan công tác dân tộc tỉnh nhà luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao; trực tiếp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng đã được cụ thể hóa trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh, góp phần phát triển toàn diện đời sống kinh tế- xã hội, từng bước hình thành nên diện mạo mới văn minh, tiến bộ cho vùng miền núi. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh Quảng Nam từ năm 1997 đến nay, nhất là trong những năm gần đây, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành và tập trung chỉ đao triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh, như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 06/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về tăng cường lãnh đạo công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 10/02/2022 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030…

Ban Dân tộc tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh).
Những điểm nổi bậc trong thành tựu phát triển vùng đồng bào DTTS&MN trong 77 năm qua là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ theo hướng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của Nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hoá đạt 75,4%; 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá; thu nhập bình quân đầu người trong vùng năm 2020 đạt 20,74 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm xuống còn 26,74%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 46%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 32 xã, đạt tỷ lệ 34,04% tổng số xã miền núi của tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,84%. Mạng lưới trường học, cơ sở y tế vùng đồng bào DTTS được mở rộng và ngày càng hoàn thiện. Hạ tầng điện chiếu sáng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trên địa bàn, nhiều điểm, cụm công nghiệp, điểm du lịch- dịch vụ, các cơ sở thủ công nghiệp, chế biến nông – lâm sản, chế biến dược liệu được quy hoạch, đầu tư; nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển theo hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái đã tạo ra hướng đi mới cho làng nghề và phát triển kinh tế- xã hội bền vừng ở vùng miền núi tỉnh. Công tác phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đặc biệt quan tâm, thực hiện đồng bộ trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, tuyển dụng và bố trí việc làm; nhờ đó, bài toán xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển vùng miền núi tỉnh từng bước được giải quyết hiệu quả. Công tác xây dựng hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh thường xuyên được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng hoá các loại hình tập hợp, vận động đồng bào DTTS. Từ năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh đang chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với nguồn vốn đầu tư phát triển được phân bổ hơn 1.491 tỷ đồng. Đây là chương trình đầu tư có ý nghĩa chiến lược quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh trong thời gian đến.
Ngày nay, vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt; tình hình chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cán bộ người DTTS không ngừng lớn mạnh; trình độ phát triển chung của vùng miền núi được thu hẹp so với khu vực miền xuôi của tỉnh. Để có được những thành quả quan trọng đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cơ quan công tác dân tộc tỉnh và đội ngũ những người làm công tác dân tộc dưới sự quan tâm, lãnh chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ghi nhận và biểu dương những thành quả to lớn đạt được trong 77 năm qua, cơ quan công tác dân tộc tỉnh nhà đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng 01 Huân chương Thành đồng Tổ quốc, 02 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng ba, 03 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng nhì và nhiều bằng khen cao quý khác. Có thể khẳng định, cơ quan công tác dân tộc tỉnh đã hoàn thành tốt trọng trách của mình, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của các tầng lớp Nhân dân.